TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG VIỆT NAM

VIETNAMESE CHIROPRACTIC METHOD

TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG VIỆT NAM
TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG VIỆT NAM

Chuyên đề TĐCS

Bạn Nguyễn Xuân Kiên tại Nguyenxuankien62@gmail.com hỏi:

23/03/202370 Lượt xem
Kính gửi chú Thi! Cháu là người thích tìm hiểu về y học cổ truyền và may mắn cho cháu là bố cháu có một người bạn thân là học trò của cố Lương Y Nguyễn Tham Tán nên cháu đã được đọc sách của Cụ viết về phương pháp tác động cột sống, giáo trình dùng trong trường y học dân tộc Tuệ Tĩnh và một số tài liệu của Cụ viết về phương pháp này.Sau đó cháu thấy ở trên mạng, trang Web của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương cũng giới thiệu các nội dung đó.Cuối năm ngoái cháu có được đọc 2 cuốn sách của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam viết về phương pháp này. Nội dung của 2 cuốn sách đó, ngoài lời giới thiệu, phần lí luận của phương pháp hoàn toàn sử dụng tài liệu của cố Lương Y Nguyễn Tham Tán, chú có ý kiến gì về điều này?, phần khám chữa bệnh giới thiệu 4 chương (Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương cũng đã giới thiệu 4 chương này). Cháu đã sưu tầm nhưng chưa thấy các chương tiếp theo,và điều cuối cùng cho cháu hỏi là để học phương pháp TĐCSVN cần chuẩn bị những điều kiện gì? Vì cháu rất muốn được học phương pháp TĐCS để bổ sung thêm trí thức cho bản thân. Câu hỏi của cháu hơi dài, mong chú thứ lỗi cho cháu.


     

         Chào cháu Kiên. Qua thư của cháu,chú rất phấn khởi vì lại được quen thêm một người tuy còn trẻ nhưng rất ham thích tìm tòi kho tàng Y học dân tộc của Việt Nam.                                                                                                            Cháu Kiên thân mến! câu hỏi của cháu hơi dài và đề cập đến nhiều vấn đề.Chú cố gắng trả lời sao cho cháu và bạn đọc hình dung được sự phát triển thăng trầm của trường phái Tác động cột sống Việt Nam,mặc dù phương pháp chữa bệnh thật là độc đáo của dân tộc. Lương y Nguyễn Tham Tán được Bộ Y tế biên chế về làm giáo viên giảng dạy phương pháp Tác động cột sống(TĐCS) tại trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh Trung ương từ những năm 1980 cho đến trước lúc mất(năm 2000). Khi về giảng dạy tại trường, lương y Nguyễn Tham Tán đã ngoài 60 tuổi. Một trường hợp ngoại lệ, không tính đến tuổi nghỉ hưu mà làm việc cho đến khi từ giã cõi trần. Năm 1991,năm đầu tiên nhà trường mở lớp bổ túc về PP TĐCS cho các anh chị em trong ngành từ các cơ sở y tế cử về học theo chỉ tiêu do Bộ Y tế giao xuống. Lương y Tán đã biên soạn cuốn Bài giảng phương pháp Tác động cột sống (Giáo trình dùng trong nhà trường)đã được trường Tuệ Tĩnh in thành sách và sử dụng làm tài liệu giảng dạy chính PP TĐCS trong trường. Trong thời gian lương y Nguyễn Tham Tán giảng dạy tại trường Tuệ Tĩnh ,nhà trường đã mở được 10 lớp TĐCS hệ bổ túc do lương y Nguyễn Tham Tán trực tiếp giảng dạy,trong đó có 4 lớp giành cho Bộ nội vụ, nay là Bộ công an. Năm 1998,lương y Tán đã cử chú và chú Phương (là cháu của lương y Tán)viết một số tài liệu về các phương thức chẩn bệnh và tài liệu Khám chữa bệnh bằng PP TĐCS theo các vùng tam giác của hệ cột sống để phát cho các anh chị em là môn sinh đang sinh hoạt trong hội đồng môn TĐCS của lương y. Trong năm 1988, chú và chú Phương đã viết xong các phương thức khám bệnh và bốn chương: chương 1 Vùng cổ trên, chương 2 Vùng cổ dưới, chương 3 Vùng lưng trên, chương 4 Vùng lưng dưới và đã in và phát cho các anh em trong hội đồng môn. Sang năm 1999, lương y Nguyễn Tham Tán lại cử chú và chú Phương viết tiếp 5 chương còn lại theo tinh thần chỉ đạo của lương y Tán.Cuối năm 1999,năm chương còn lại đã viết xong ,chỉ còn khớp nốt một đặc trưng cuối cùng và thông qua thầy Tán là có thể in ấn và phát cho các anh em môn sinh là đủ bộ tài liệu về thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến 9 vùng tam giác của hệ cột sống. Nhưng khi đó lương y Nguyễn Tham Tán cũng đã rất mệt, nên việc thông qua đã phải gác lại và bản thảo đưa lại cho cụ bà cất giữ. Đến nay đã hơn 12 năm trôi qua,chú cũng chưa thấy có học trò nào của thầy Tán viết nốt các chương còn lại, mặc dù trong số các học trò của thầy Tán không ít người là lương y,bác sỹ đông y,bác sỹ tây y chuyên khoa 1 hoặc chuyên khoa 2. Chú có ý định trong năm nay sẽ viết nốt 5 chương còn lại và sẽ giới thiệu dần trên mục chuyên đề TĐCS của trang Web này.                                                                                                                                                    

      Cháu Kiên và bạn đọc quí mến! Đúng như cháu đã nêu: Trung tâm nghiên cứu lí học Đông Phương đã giới thiệu dần những nội dung của phương pháp TĐCS của Lương Y Nguyễn Tham Tán và hiện tại vẫn đang còn giới thiệu trên trang Web của trung tâm. Người giới thiệu là bác Hà Uyên. Là học trò của cố Lương y Nguyễn Tham Tán, chú chân thành cảm ơn bác Hà Uyên và TTNC lí học Đông Phương đã giới thiệu một cách trung thực và chân thành những tài liệu về phương pháp TĐCS của cố Lương y Nguyễn Tham Tán.

     Cuối năm ngoái, học viện Y dược học cổ truyền VN cũng đã mở lớp bổ túc về PP.TĐCS khóa I. Cũng đúng như ý kiến của cháu, phần nội dung bài giảng về PP.TĐCS, học viện lấy y nguyên của thầy Tán. Phần khám chữa bệnh cũng chỉ có 4 chương tài liệu của thầy Tán và một số tài liệu về bệnh học khác của thầy Tán( tài liệu về bệnh học viết theo bệnh danh,không theo vùng tam giác).

    Cháu Kiên và bạn đọc quí mến! Lương Y Nguyễn Tham Tán vẫn thường nói với học trò của mình là: "từ năm 1970, ở khu vực Châu Á đã có những nước thành lập trung tâm nghiên cứu tác động lên cột sống để chữa bệnh nhưng cái hay và độc đáo của PP.TĐCSVN ; ta vẫn còn giữ được".

   Và cũng bởi vậy mà các tài liệu của Lương y N.T.Tán viết về phương pháp đều rất cô đọng, khái quát, không giải thích nhiều; nhất là giải thích trên những cơ sở khoa học.Vì giải thích nhiều, chứng minh trên các cơ sở khoa học để thuyết phục những người còn hoài nghi thì cũng có thể là cách ngắn nhất làm mất phương pháp này vào tay người nước ngoài. Và cũng chính vì viết cô đọng và khái quát cao nên có không ít người là học trò của thầy Tán đọc tài liệu của thầy Tán cũng chưa hiểu hết nội dung của các tài liệu đó nếu thiếu  niềm đam mê và một chút năng khiếu lĩnh hội phương pháp ; Và cũng chính vì vậy lại càng không thể hướng dẫn và chỉ bảo cho người khác được.

   Lương y Nguyễn Tham Tán đã đào tạo khoảng hơn 450 học trò phân bổ ở một số cơ sở y tế trải dài từ Bắc đến Nam, thường mỗi cơ sở chỉ có một, hai người, do đó hoạt động còn đơn lẻ, không thành tổ chuyên môn được. Duy chỉ có Bệnh viện Y  học cổ truyền Bộ công an đã được Lương y N.T.Tán trực tiếp giảng dạy một khóa TĐCS ngay tại bệnh viện.

   Trong số học trò của thầy Tán, và có cả những người không phải là học trò của thầy Tán đã viết sách về PP.TĐCS . Họ sao chép y nguyên sách và tài liệu của thầy Tán và thêm thắt vài trang không có chút kiến thức gì về TĐCS cả, rồi bỏ tên thầy Tán đi, đề tên của họ là tác giả cuốn sách đó. Người ta gọi hành vi này là bàn tay nhám. Hiện nay, sách viết về TĐCSVN chỉ có tác giả là lương y N.T.Tán. Những sách sao chép lại thường hay có nhiều sai sót về chuyên môn, mà là những sai sót cơ bản. Bởi vì những người đó cũng chưa hiểu sâu sắc về phương pháp, chưa nắm vững lí luận của phương pháp. Những sai sót đó làm cho người đọc, người học khó hiểu, hiểu một cách mông lung. Khi hỏi lại thì tác giả không trả lời được hoặc trả lời thiếu tính thuyết phục. Chỉ khi nào những tri thức của phương pháp trở thành máu thịt của bản thân mình, trở thành dòng máu chảy trong cơ thể mình thì người đó mới có thể viết được sách, hay tài liệu về PP.TĐCS của lương y N.T.Tán một cách chuẩn xác được.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Cháu Kiên thân mến! Trả lời ý cuối cùng của cháu hỏi là  để học phương pháp TĐCS cần chuẩn bị những điều kiện gì?. Theo chỗ chú biết thì những người học PP TĐCS chia làm hai nhóm: Nhóm học để biết ,biết thêm một PP chữa bệnh của dân tộc và nhóm thứ hai là học để hành, là để trở thành thầy thuốc của trường phái. Những người muốn tìm tòi để tăng thêm sự hiểu biết đều có thể tham gia ở nhóm thứ nhất  và cần chuẩn bị những kiến thức về giải phẫu học, sinh lí học, sinh lí bệnh học cơ thể người ,để hiểu được rõ cơ sở lí luận của phương pháp. Nhóm thứ hai thường là các anh chị em đã làm việc trong các cơ sở y tế của ngành y và những sinh viên đang học ở các trường y,các học viện thuộc ngành y. Ở nhóm thứ hai, ngoài những kiến thức cần có thì sự đam mê là điều không thể thiếu được và thêm vào đó là có một chút năng khiếu :năng khiếu lĩnh hội và cảm nhận sự biến đổi các đặc trưng của hệ cột sống. Sự lĩnh hội và cảm nhận này theo mỗi người bác sĩ hay chuyên gia của trường phái cho đến hết cuộc đời.                                                                                                                                                                                                                                                                        Cháu Kiên và bạn đọc thân mến! Nhân những ngày được nghỉ dịp 30-4 và 1-5, chú tranh thủ ghi đôi dòng trả lời câu hỏi của cháu. Chân thành chúc cháu và bạn đọc khỏe mạnh.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Hà Nội, ngày 30-4-2012




https://qik.com.vn/