TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG VIỆT NAM

VIETNAMESE CHIROPRACTIC METHOD

TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG VIỆT NAM
TÁC ĐỘNG CỘT SỐNG VIỆT NAM

CÂU CHUYỆN Y HỌC

Thêm những bệnh nhân suy tủy được chữa bằng PP Tác động cột sống

17/03/202379 Lượt xem

Chỉ còn 3 ngày là đến mồng một Tết Ất Hợi (1995) thì cháu Nguyễn Ngọc Dương (sinh năm 1986) cảm thấy chóng mặt, mắt hoa. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cháu biết tới giờ mới thấy hiện tượng này nên rất lo sợ. Cháu gọi mẹ và lên giường nằm ngay. Bố cháu là Nguyễn Xuân Mai quê gốc ở Điền Xá, Nam Ninh, Nam Hà, nay cùng gia đình định cư và làm ăn tại đội 9 nông trường Cờ Đỏ, Mộc Châu, Sơn La, nghĩ rằng con mình bị cảm cúm bình thường nên anh xoa đầu và đắp chăn ấm cho cháu, hy vọng cháu sẽ khỏi trong một vài ngày để cùng gia đình đón xuân mới. Nhưng chiều hôm ấy anh phát hiện chân răng của cháu Dương bị rớm máu. Sáng hôm sau lại phát hiện những cục máu đông ở chân răng của cháu. Tình trạng chóng mặt, hoa mắt của cháu Dương cho tới ngày mùng 4 Tết vẫn không thuyên giảm. Bố mẹ cháu vội đưa cháu đi bệnh viện nông trường. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ cho anh Mai hay rằng bệnh của cháu hiện nay là một trong những căn bệnh rất khó chữa trị.

Biết như thế nhưng nhìn cháu mà thấy quặn từng khúc ruột, mới 9 tuổi đầu, chẳng lẽ lại bó tay chờ ngày tử thần mang cháu đi? Không tình mẫu tử đã khiến cho vợ chồng anh Mai quyết tâm đem cháu về Hà Nội ngay trong ngày mồng 8 Tết. Cháu được tiếp nhận vào viện Nhi Thụy Điển ( Bệnh viện trẻ em cao nhất ở nước ta hiện nay). Lại hàng loạt các xét nghiệm hội chẩn và kết luận cuối cùng thật bi đát: cháu bị bệnh suy tủy. Viện Nhi Thụy Điển tiếp cho cháu một lần máu, kèm theo một đơn thuốc điều trị, hẹn một tháng sau sẽ khám lại cho cháu. Sau một tháng, hai cha con lại bươn chải từ cao nguyên Mộc Châu về Hà Nội. Qua xét nghiệm thấy hồng cầu của cháu đã tụt xuống chỉ còn 1,5 triệu. Nhưng cũng chính lần này, tại phòng chờ một người đàn ông đã đưa cho anh Mai xem tờ Tiền Phong chủ nhật số Tết 1995, trong đó có đăng bài “Phải chăng lương y Việt Nam có thể chữa được bệnh suy tủy!”. Bài báo cho biết cụ lương y Nguyễn Tham Tán, chủ nhiệm bộ môn Tác động cột sống trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, Giám đốc Trung tâm tác động cột sống Hà Nội chữa suy tủy bằng phương pháp Tác động cột sống. Ngay chiều hôm ấy, hai cha con đi xích lô tới phường Trung Tự, quận Đống Đa – nơi cư trú của cụ Tán. Sau khi khám bệnh cho cháu, cụ Tán nhận điều trị ( anh Mai nhớ hôm ấy là ngày 20/2 âm lịch). Bắt đầu từ ngày hôm đó và cho tới khi cụ Tán chuyển về Giáp Bát, ngày nào anh Mai cũng đưa con về nhà cụ để trị bệnh. Sau này bố con anh và nhiều bệnh nhân ở xa Hà Nội đều nghỉ ở nhà trọ đối diện với nhà cụ Tán để tiện cho việc điều trị.

Thời gian đầu, một tháng bệnh viện Nhi Thụy Điển phải truyền máu cho cháu Dương một lần, sau rút xuống 15 ngày/lần thế mà hồng cầu của cháu vẫn tụt xuống chỉ còn 900.000, đến độ cháu không tự đi, bố phải cõng. Nhưng sau ngày truyền máu 10/4/1995 thì bệnh tình của cháu đã bắt đầu thuyên giảm. tới ngày 10/5/1995 khi xét nghiệm thì hồng cầu của cháu đã lên được 2,8 triệu và không phải truyền máu nữa. Điều đó có nghĩa là tủy xương – cơ quan chính tạo máu cho cơ thể của cháu đã có dấu hiệu hoạt động trở lại. Cả 2 bố con anh mừng đến trào nước mắt và nhìn cụ lương y Nguyễn Tham Tán với lòng biết ơn vô hạn.

Sau đó, cứ mỗi tháng cháu Dương lại xét nghiệm máu một lần và số lượng hồng cầu tiếp tục tăng theo thời gian. Cho tới ngày 18/1/1996 thì hồng cầu của cháu (qua xét nghiệm) đã lên tới 3,7 triệu – gần tương đương với số lượng hồng cầu của cháu cùng tuổi khỏe mạnh khác. Cụ Tán quyết định cho cháu xuất viện để về quê cùng gia đình đón tết năm con chuột.

Ở thành phố Hồ Chí Minh các nhà y học mới tổ chức cuộc đại phẫu thuật đầu tiên ở Việt Nam để ghép tủy cho một bệnh nhân bị suy tủy. Người cho tủy là anh em ruột với bệnh nhân. Nhưng chi phí trung bình cho cuộc phẫu thuật như vậy lên tới 300 – 400 triệu đồng. “Nếu khó khăn như vậy – anh Mai nói – thì phương pháp Tác động cột sống của cụ Tán thật nhẹ nhàng và rất kinh tế. Mỗi ngày chữa bệnh cụ chỉ lấy của bệnh nhân 5 nghìn đồng, tiền trọ mất 5000/ 1 ngày nữa…vị chi như tôi chữa cho cháu kéo dài gần một năm trời ngoài tiền ăn tôi chỉ chi 3,5 triệu đồng mà thôi. Mà cháu đã khỏi bệnh hoàn toàn…

Ở nhà trọ cũng có một số cháu khác bị bệnh suy tủy đang được cụ Tán chữa trị như các cháu: Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1983 ở Tân Kỳ, Nghệ An), Đào Ngọc Linh (sinh năm 1982 ở Thái Nguyên) và cả một chị tên là Thoa… Tất cả họ đang rất hy vọng vào phương pháp và đôi bàn tay kì diệu của cụ lương y Nguyễn Tham Tán.  

 

                                                                                                                             Ghi chép của NGUYỄN BÁ CỔN

                                                                                                                      Báo Tiền phong Chủ Nhật số 14- 1996

 
https://qik.com.vn/